TP.Thủ Đức đề xuất triển khai dự án xây dựng quảng trường trung tâm tại khu đô thị mới Thủ Thiêm với diện tích hơn 21 ha và tổng vốn đầu tư dự kiến 1.793 tỷ đồng. Dự án sẽ áp dụng theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) và được thanh toán bằng tiền.
Đẩy nhanh tiến độ hạ tầng khu đô thị Thủ Thiêm
Tại buổi làm việc ngày 5/3 với đoàn công tác do Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được dẫn đầu, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết tổng nhu cầu vốn đầu tư để hoàn thiện khu đô thị mới Thủ Thiêm vào khoảng 35.750 tỷ đồng. Trong đó, 15 dự án phát triển hạ tầng cần nguồn vốn khoảng 9.300 tỷ đồng.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ, UBND TP.Thủ Đức đề xuất áp dụng phương thức đối tác công tư (PPP), thí điểm với dự án quảng trường trung tâm. Việc triển khai theo mô hình BT sẽ giúp đảm bảo tính minh bạch về tài chính, thuận lợi trong quá trình đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư. Các quy trình lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý dự án cũng sẽ được quy định rõ ràng theo tiêu chuẩn của dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Ngoài ra, phương thức BT được đánh giá có thể giúp rút ngắn thời gian thực hiện dự án so với đầu tư công, nhờ việc nhà đầu tư chủ động đẩy nhanh tiến độ. Ông Hoàng Tùng dẫn chứng trường hợp cầu Sài Gòn 2 hoàn thành sớm 6 tháng, giúp tiết kiệm 50 tỷ đồng tiền lãi và giảm tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng vào năm 2013.

Nhiều doanh nghiệp tìm hiểu quy hoạch chung TP.Thủ Đức để tìm kiếm cơ hội đầu tư
Thực hiện đồng bộ hạ tầng ngầm và mặt đất
Phó Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Phạm Trung Kiên cho biết trước đây, TP.HCM đã có chủ trương thực hiện các dự án theo hình thức BT. Tuy nhiên, đến năm 2019, khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) ra đời và bỏ hình thức BT, các dự án phải tạm dừng. Mới đây, Quốc hội đã sửa đổi luật, cho phép áp dụng lại mô hình BT, bao gồm thanh toán bằng đất hoặc bằng tiền.
Ông Kiên nhấn mạnh rằng các dự án tại khu đô thị mới Thủ Thiêm cần tính toán hiệu quả sử dụng đất, đặc biệt là khai thác không gian ngầm kết hợp chức năng giữ xe, thương mại và dịch vụ. Việc phát triển quảng trường trung tâm không chỉ mang ý nghĩa cảnh quan mà còn có giá trị kinh tế lớn. Do đó, cần nghiên cứu tổng thể cả phần nổi và phần ngầm để đảm bảo phát huy tối đa tiềm năng của dự án, tránh tình trạng chỉ đầu tư phần nổi trước rồi phải bổ sung phần ngầm sau, gây lãng phí và giảm giá trị lâu dài.